Có một số trường hợp, người lao động đang trong quá trình học đào tạo nâng cao, đã xin được COE, nhưng chưa có VISA thì muốn rút hồ sơ đi xuất khẩu lao động. Trong trường hợp này, người lao động có được lấy lại tiền không?
Có một số trường hợp, người lao động đang trong quá trình học đào tạo nâng cao, đã xin được COE, nhưng chưa có VISA thì muốn rút hồ sơ đi xuất khẩu lao động. Trong trường hợp này, người lao động có được lấy lại tiền không?
Luật sư tư vấn quy định pháp luật về nhận lại giấy tờ gốc và tiền cọc khi rút lại hồ sơ lao động nước ngoài như thế nào? những trường hợp nào không được nhận lại tiền cọc và các vấn đề khác liên quan, nội dung như sau:
1. Rút hồ sơ lao động nước ngoài có mất cọc và được nhận lại giấy tờ gốc không?
Câu hỏi: Dear văn phòng luật sư Minh Gia, Em có vấn đề thắm mắc muốn hỏi văn phòng luật như mình nội dung như bên dưới này ah. Tháng 11/2017 em có đăng kí đơn hàng đi Nhật diện kĩ sư và phỏng vấn đậu. Đến cuối tháng 12 em có nộp đủ bằng cấp và 30 triệu tiền cọc trước để làm visa.Tới thời điểm hiện tại hồ sơ của em đã được gửi qua Nhật và đang chờ cục xét duyệt để ra tư cách lưu trú.Giờ em muốn rút hồ sơ về, có bị chịu hình thức phạt nào không ah? Tiền có thể là mất hết rồi nhưng liệu giấy tờ gốc em có lấy lại được không ah? Và có liên quan gì tới pháp luật hành chính gì không ah? Có một điểm là em chưa ký hợp đồng nào với bên công ty ở việt nam và nhật bản.Mong nhận được phản hồi của quý luật sư. Em cám ơn!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:
Về việc rút hồ sơ để được nhận lại những giấy tờ gốc, Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH có quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:
Doanh nghiệp dịch vụ phải cam kết với người lao động về thời gian chờ xuất cảnh sau khi người lao động trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài.
Trong thời gian doanh nghiệp dịch vụ đã cam kết, nếu người lao động không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nữa thì doanh nghiệp dịch vụ phải trả lại hồ sơ cho người lao động và người lao động phải chịu các khoản chi phí mà doanh nghiệp dịch vụ đã chi (nếu có) để làm thủ tục cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm: chi phí làm hồ sơ, khám sức khỏe, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí tài liệu học tập, ăn, ở trong thời gian đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm thủ tục nhập cảnh (visa)” .
Như vậy, nếu bạn muốn rút hồ sơ trong thời gian chờ xuất cảnh mà doanh nghiệp đã cam kết thì được trả lại hồ sơ gốc nhưng bị mất một số khoản chi phí để làm thủ tục đi nước ngoài.
Về vấn đề đặt cọc, Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về đặt cọc tại Điều 328 như sau:
1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác
Theo đó, vấn đề phạt cọc chỉ đặt ra nếu một trong hai bên từ chối giao kết hoặc thực hiện hợp đồng hoặc nội dung của hợp đồng có thỏa thuận điều kiện phạt cọc và bạn đang rơi vào trường hợp này. Việc bạn rút hồ sơ vào thời điểm hồ sơ này đã được gửi sang Nhật và chờ xét duyệt có bị phạt cọc hay không phụ thuộc vào nội dung hợp đồng: số tiền này đặt cọc để bảo đảm thực hiện công việc gì? Điều khoản thỏa thuận phạt cọc ra sao?
Do đó, bạn cần kiểm tra lại hợp đồng để xác định trách nhiệm của mình trong trường hợp này. Nếu bạn là người bị phạt cọc thì bạn nên làm việc lại với bên nhận cọc thỏa thuận về việc giảm số tiền phạt nếu được họ đồng ý.
2. Vi phạm khi đi xuất khẩu lao động có được nhận lại tiền đặt cọc không?
Câu hỏi đề nghị tư vấn: Vợ tôi đi xuất khẩu lao động tại nhật bản chúng tôi đã đặt cọc trước khi đi. nhưng do lương thấp nên vợ tôi trốn ra ngoài làm việc.Nay công ty bảo hộ cho vợ tôi đi làm ra quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với vợ tôi. Hỏi vợ tôi có được lấy lại tiền đặt cọc không. Tôi chân thành cảm ơn.
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn về trường hợp của bạn như sau:
Do vợ bạn làm việc theo hợp đồng lao động với công ty tại Nhật Bản nên việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với vợ bạn được thực hiện theo pháp luật về lao động của Quốc gia này. Nếu pháp luật Nhật Bản có quy định về căn cứ chấm dứt hợp đồng lao động phù hợp với trường hợp của vợ bạn (tự ý bỏ việc) thì công ty có quyền cho vợ bạn nghỉ việc.
Về vấn đề hợp đồng đặt cọc với công ty tại Việt Nam, Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về đặt cọc tại Điều 328 - Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Điều 328. Đặt cọc (đã được trích dẫn tại phần tư vấn 1)
Theo đó, phụ thuộc vào giao kết giữa các bên trong hợp đồng đặt cọc, nếu việc vợ bạn bị công ty Nhật Bản cho nghỉ việc căn cứ trên vi phạm từ phía cô này được thỏa thuận là căn cứ phạt cọc thì các bạn bị phạt cọc số tiền này và công ty ở Việt Nam không có nghĩa vụ phải trả cọc cho các bạn.
Ngược lại, theo điều khoản hợp đồng đặt cọc hoặc theo thỏa thuận mới giữa các bên mà các bạn vẫn có quyền nhận lại tiền đặt cọc (nhận toàn bộ hoặc nhận một phần số tiền đặt cọc) dù có lỗi dẫn đến hậu quả bị công ty bên Nhật Bản cho nghỉ việc thì các bạn có thể yêu cầu được nhận lại số tiền này.
3. Quy định về thủ tục xin cấp Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài?
Câu hỏi: Bên em là cơ sở mầm non tư thục đã được cấp giấy phép, nhưng bên em muốn có thêm chương trình dạy tiếng anh cho bé nên đang có kế hoạch thuê giáo viên nước ngoài. Trong mẫu số 1 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh có nội dung là "Vị trí công việc 1: (Lựa chọn 1 trong 4 vị trí công việc: nhà quản lý/giám đốc điều hành/chuyên gia/lao động kỹ thuật)." Vậy giáo viên Tiếng Anh nằm trong mục nào ạ? Giáo viên nước ngoài có cần có yêu cầu gì cho vị trí giáo viên mầm non không ạ.
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Trong mẫu số 1 Ban hành kèm theo Thông tư số 40/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 10 năm 2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP về việc giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, tại mục số 2 về vị trí công việc 1: (Lựa chọn 1 trong 4 vị trí công việc: nhà quản lý/giám đốc điều hành/chuyên gia/lao động kỹ thuật)." Trong trường hợp này, bên bạn có nhu cầu thuê giáo viên nước ngoài thì có thể lựa chọn vị trí là chuyên gia hoặc nhà quản lý.
Trường hợp, nếu là vị trí chuyên gia thì cần phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 11/2016/NĐ-CP như sau:
3. Chuyên gia là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Có văn bản xác nhận là chuyên gia của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài;
b) Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam; trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trường hợp, nếu bên chị lựa chọn vị trí nhà quản lý thì thì bên chị có thể bổ nhiệm người lao động nước ngoài giữ chức danh có thể là người đứng đầu hoặc là cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức.
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác Anh/chị vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp.